Tư vấn về chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn sẽ được các Luật sư chuyên môn giải đáp một cách chi tiết. Sau khi ly hôn việc chia tài sản hoặc chia nợ, bán tài sản đang thế chấp ngân hàng là những vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp, bởi lẽ thông thường để ly hôn nhanh chóng vợ chồng thường không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề tài sản. Vì vậy, Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hiểu thêm về vấn đề này.
Cách chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn
Trách nhiệm trả khoản nợ chung sau khi ly hôn của vợ chồng
Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ chung nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, về trách nhiệm liên đới của vợ chồng:
- Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Thứ hai, về nghĩa vụ của vợ chồng:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Do đó, nếu như có cơ sở để xác định các nghĩa vụ trả nợ mà các bên đang tranh chấp thuộc một trong các trường hợp trên thì các bên đều có trách nhiệm liên đới trả nợ.
Như vậy, nghĩa vụ chung về tài sản hay khoản nợ chung của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn còn khi chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tức là dù các bên đã ly hôn, thì các bên vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 27, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Phân chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, tài sản của vợ chồng vẫn sẽ được giải quyết tương tự theo nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể:
Thứ nhất, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
- Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
- Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Thứ hai, khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Thứ ba, khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.
Thứ tư, trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
- “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
- “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
- “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
- “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Thứ năm, giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.
Thứ sáu, khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Căn cứ pháp lý: Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
Mặc dù, các bên đã chấm dứt quan hệ hôn nhân . Tuy nhiên, một trong các bên có căn cứ chứng minh đó là tài sản chung của vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà chưa được giải quyết tại thời điểm hai vợ chồng ly hôn thì việc giải quyết vấn đề tài sản chung sau khi ly hôn vẫn áp dụng theo nguyên tắc của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
>>> Tham khảo thêm về: Nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn
Chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn
Khi chấm dứt quan hệ hôn nhân và không có thỏa thuận nào về việc chia tài sản thì nếu có tranh chấp trong quá trình phân chia tài sản thì một bên vợ hoặc chồng sẽ khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết phân chia tài sản sau khi ly hôn. Khi đó việc chia tài sản sẽ được giải quyết như sau:
Thứ nhất, Tòa án sẽ lấy ý kiến của ngân hàng để xác định nghĩa vụ, phương thức và thời hạn trả nợ của cả hai vợ chồng vì:
- Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết
Do đó, cần lấy ý kiến của phía ngân hàng để xác định nghĩa vụ, phương thức và thời hạn trả nợ của hai vợ chồng. Trên thực tế, thì việc phân chia tài sản đang thế chấp tại ngân hàng của vợ chồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng. Chính vì vậy, trong các vụ án tranh chấp tài sản sau khi ly hôn mà tài sản đó đang thế chấp tại Ngân hàng thì Tòa án phải đưa hoặc Ngân hàng tự đề nghị đưa mình vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Thứ hai, lúc này vợ/chồng không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản đang thế chấp và chỉ được lấy tài sản khi chấm dứt nghĩa vụ trả nợ hoặc tài sản đã được xử lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với ngân hàng
Do nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng đối với người thứ ba sau khi ly hôn vẫn còn hiểu lực nên muốn phân chia tài sản đang thế chấp ngân hàng thì có 02 phương án sau:
- Một vợ chồng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng và nhận lại tài sản của mình. Lúc này hai vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản với nhau.
- Hai trong trường hợp các bên không có khả năng thanh toán toàn bộ nghĩa vụ để lấy tài sản thế chấp hoặc giữa các bên có tranh chấp thì phải khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tòa giải quyết. Lúc này Tòa án sẽ lấy ý kiến của Ngân hàng và tình tiết trong vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng để làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên có trong vụ án và phải đúng quy định pháp luật
Như vậy, khi muốn phân chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn. Vợ và chồng phải thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, nhận lại tài sản đang thế chấp hoặc phải có sự đồng ý từ phía ngân hàng về phân chia tài sản chung của vợ chồng thì mới có thể chia tài sản được.
Căn cứ pháp lý: Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Khoản 8 Điều 320, khoản 3 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015.
Chia tài sản đang thế chấp ngân hàng
Tham khảo thêm: Dịch vụ soạn thảo thỏa thuận chia tài sản chung sau ly hôn
Nếu cả hai không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì giải quyết như thế nào?
Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:
- Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Trường hợp này, theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Dân sự 2015, ngân hàng có quyền yêu cầu hai vợ chồng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ vẫn không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền, tài sản bảo đảm sẽ được tiến hành xử lý. Việc xử lý tài sản bảo đảm được tiến hành khi thuộc các trường hợp sau đây theo Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì trước khi tiến hành xử lý tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ thực hiện thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp. Thông báo được lập thành văn bản và chứa các nội dung sau:
- Lý do xử lý tài sản bảo đảm;
- Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý;
- Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
Việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ dựa trên những nguyên tắc sau đây được quy định tại Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP:
- Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác thì việc xử lý tài sản bảo đảm phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan.
- Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.
- Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó.
- Việc bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
Ngoài ra, theo quy định tại ĐIều 360 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp nếu bên có nghĩa vụ gây thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ pháp lý: Điều 351, Điều 352, Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 49, 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Luật sư tư vấn chia tài sản đang thế chấp ngân hàng sau khi ly hôn
Nếu Quý khách có nhu cầu muốn sử dụng dịch vụ luật L24H, thì ở đây chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Quý khách tốt nhất qua một số dịch vụ sau đây:
- Tư vấn các quy định pháp luật về tài sản, nợ nần sau khi ly hôn;
- Luật sư thực hiện soạn thảo đơn từ và chuẩn bị hồ sơ giải quyết tranh chấp tài sản sau khi ly hôn;
- Xác định nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng sau khi ly hôn;
- Tham gia với khách hàng thương lượng, thỏa thuận với các bên vợ/chồng để giải quyết vấn đề chia tài sản đang thế chấp;
- Hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng trình tự thủ tục khởi kiện tại Tòa án
- Soạn thảo văn bản gửi cho Ngân hàng đề nghị về việc thỏa thuận phân chia tài sản đang thế chấp cũng như nghĩa vụ trả nợ
- Tư vấn về cách thức cũng như cách thu thập chứng cứ để chứng minh yêu cầu của khách hàng là có cơ sở được tòa án chấp nhận
- Những công việc pháp lý có liên quan khác.
Luật sư tư vấn phân chia tài sản đang thế chấp ngân hàng
Xem thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp nợ chung khi ly hôn
Sau khi ly hôn, vấn đề chia tài sản là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp nhất. Đặc biệt là đối với các tài sản đang thế chấp ngân hàng thì là càng khó giải quyết, bởi vì ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba tức ngân hàng. Bài viết trên phần nào đã giải đáp các thắc mắc của quý bạn đọc về chế định tài sản sau ly hôn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần được sự hỗ trợ của luật sư hôn nhân gia đình, vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.633.716 để được hỗ trợ.