Tranh chấp về đường dây tải điện xảy ra khi chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản khác rồi phát sinh tranh chấp. Cần giải quyết tranh chấp này như thế nào và việc khởi kiện được tiến hành ra sao. Luật L24H sẽ hướng dẫn cụ thể hơn vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
Khởi kiện giải quyết tranh chấp đường dây tải điện
Quy định chung về mắc đường dây tải điện
Điều 255 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác như sau: “Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”
Điều 15 Luật Điện lực 2004, sửa đổi, bổ sung 2012, 2018 và 2022 quy định: “Hệ thống đường dây tải điện và trạm điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu tổn thất điện năng.”
Như vậy, chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, việc mắc đường dây tải điện phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Tranh chấp mắc đường dây tải điện
Căn cứ khởi kiện tranh chấp đường dây tải điện
Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng như sau: “Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì hệ thống tải điện là một nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó:
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
- Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, Điều 255 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định nếu việc mắc đường dây tải điện qua các bất động sản khác gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Tại Điều 186 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, trong trường hợp có tranh chấp về đường dây tải điện và nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì người bị xâm phạm lợi ích có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo đúng luật.
>>> Xem thêm: Các trường hợp được giảm mức bồi thường thiệt hại
Thủ tục khởi kiện tranh chấp đường dây tải điện
Thời hiệu khởi kiện
Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường
>>> Xem thêm: Quy định chung về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đường dây tải điện là Tòa án cấp huyện nơi người bị kiện cư trú.
Trình tự giải quyết
- Người yêu cầu nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
- Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Vụ án được thụ lý và giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 190, 191, 195, 197, 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
>>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục khởi kiện dân sự
Tư vấn khởi kiện tranh chấp đường dây tải điện
- Tư vấn quy định pháp luật về tranh chấp đường dây tải điện;
- Tư vấn thủ tục khởi kiện tranh chấp đường dây tải điện;
- Hỗ trợ soạn thảo đơn khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện;
- Đại diện khách hàng tham gia vào quá trình tố tụng đối với tranh chấp đường dây tải điện;
- Luật sư bảo vệ quyền lợi ích cho khách hàng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền.
>>> Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tranh tụng
Việc khởi kiện về tranh chấp đường dây tải điện được tiến hành để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Nếu có bất cứ vướng mắc nào cần Luật sư dân sư tư vấn giải đáp giải quyết tranh chấp dân sự, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900.633.716 để được tư vấn kịp thời và hiệu quả nhất. Xin cảm ơn!