Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán là hành vi tạo lập giả các tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, không hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào từng trường hợp cụ thể. Bài viết dưới đây Luật L24H sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về tội danh làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán.
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán
Thế nào là hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Chào bán chứng khoán
Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành các loại chứng khoán ra công chúng để thu hút vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán.
Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi tạo lập giả các tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư (liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán).
Theo đó thì tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán và thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng từ hành vi đó.
>>> Xem thêm: Tội thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý như thế nào?
Khi nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán cấu thành tội phạm
Hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 212 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khách thể
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm phạm. Người thực hiện tội phạm này đã xâm phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường chứng khoán, thuế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
>>> Xem thêm: Khách thể là gì?
Mặt khách quan
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán được thực hiện bằng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Làm giả tài liệu là hành vi tạo lập, in ấn, phát hành những tài liệu một các giả tạo, không có thực, không phải là do tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hành trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.
Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
Chủ thể
Thứ nhất, chủ thể thực hiện tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.
Thứ hai, chủ thể phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ở đây là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan
Mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, mục đích và động cơ. Hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội luôn gắn liền với các biểu hiện bên ngoài. Do đó, các hành vi khai báo, ghi sai các thông tin trong bộ hồ sơ chào bán chứng khoán, niêm yết chứng khoán là biểu hiện của lỗi cố ý, dù người phạm tội nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
Người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan đó nhằm mục đích trục lợi hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư với giá trị rất lớn.
Hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán bị xử lý thế nào?
Xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ Điều 9 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam như sau:
- Phạt tiền từ 2.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là giấy tờ giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp đã chào bán chứng khoán ra công chúng. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 212 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 3 khung hình phạt đối với tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán:
1. Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội theo quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, đối với các trường hợp:
- Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
- Có tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm.
3. Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khung hình phạt đối với tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán
Luật sư bào chữa tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán
Luật sư tư vấn, bào chữa miễn giảm trách nhiệm hình sự như sau:
- Giúp khách hàng phân tích cụ thể về điều kiện cấu thành hành vi phạm tội, đánh giá mức độ hành vi vi phạm, đánh giá tài liệu, chứng cứ và đưa ra những đề xuất, phương án bào chữa phù hợp;
- Luật sư hỗ trợ thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh đủ điều kiện áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo luật định;
- Hướng dẫn hoặc hỗ trợ khách hàng soạn thảo tài liệu, giấy tờ cần thiết liên quan đến việc làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trách nhiệm hình sự;
- Tham gia các buổi hỏi cung, làm việc trực tiếp với bị cáo tại cơ quan điều tra, hỗ trợ thu thập tài liệu chứng cứ…;
- Xem xét lỗi, từ đó đưa ra phương án tốt nhất để bảo vệ cho thân chủ của mình;
- Thực hiện chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo góp phần nhằm giảm hoặc loại bỏ trách nhiệm hình sự, bảo vệ tối đa quyền lợi của bị can, bị cáo theo đúng quy định pháp luật;
- Luật sư hướng dẫn cho bị hại về trình tự thủ tục làm đơn bãi nại;
- Luật sư tranh tụng tại phiên tòa bào chữa cho người phạm tội;
- Khiếu nại khi thấy có quyết định ban hành của cơ quan nhà nước trái pháp luật.
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa
Như vậy, tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán là hành vi có ảnh hưởng xấu cho thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho quyền lợi của nhà đầu tư. Trên thực tế, cùng là một hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán nhưng với những tình tiết khác nhau cũng sẽ dẫn đến những khung hình phạt khác nhau. Vì thế, việc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn là việc làm phù hợp và cần thiết. Nên nếu Quý khách hàng còn thắc mắc cần luật sư tư vấn luật hình sự, hãy liên hệ qua tổng đài trực tuyến 1900.633.716 để được Luật sư hình sự lắng nghe và tận tình giải đáp miễn phí.