Thủ tục nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Thủ tục nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài là một trong những thủ tục hành chính do người có yêu cầu có quyền đăng ký tại cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con có thể được thực hiện tại các cơ quan hành chính. Mời Quý bạn đọc theo dõi thêm về điều kiện đăng ký để làm giấy khai sinh, lệ phí đăng ký, mẫu tờ khai đăng ký có yếu tố nước ngoài sẽ được tôi trình bày cụ thể trong bài viết này.

Thủ tục nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Thủ tục nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Đối tượng đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Như vậy, đối tượng đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài bao gồm công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam.

>>>Xem thêm: Người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 128 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

Điều kiện đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp không có tranh chấp.

Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết hoặc trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết hoặc trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết:

  • Cha, mẹ, con, người giám hộ;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Cơ sở pháp lý: Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

Thẩm quyền thực hiện đăng ký

Hiện nay theo quy định có đến hai cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký là:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên khi có yếu tố nước ngoài thì việc đăng ký nhận cha, mẹ, con sẽ được thực hiện ở Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Cơ sở pháp lý: Điều 24, Điều 43 Luật Hộ tịch 2014; khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; đoạn 2 khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch

Thủ tục đăng ký nhận, cha mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Hồ sơ

  • Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.
  • Giấy chứng sinh, giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ con.
  • Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha – con, quan hệ mẹ – con.
  • Bản sao hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc xuất trình bản chính hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu nếu trực tiếp nộp hồ sơ.

Đặc biệt đối với các giấy tờ nhân thân có liên quan đến yếu tố nước ngoài cần được hợp thức hóa lãnh sự, nghĩa là cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể để hợp pháp hóa lãnh sự về nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

  • Một tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;
  • Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân cụ thể là bản sao hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc xuất trình bản chính hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;
  • Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được chứng nhận bởi Bộ Ngoại giao; hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài nơi có Cơ quan đại diện Việt Nam; hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam kiêm nhiệm: Cụ thể là giấy chứng sinh, giấy khai sinh; văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha – con, quan hệ mẹ – con
  • Một bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể hiểu được, nếu giấy tờ; tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;
  • Một bản chụp các giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể hiểu được để lưu tại Cơ quan đại diện.

Trong trường hợp nộp qua bưu điện thì gửi 01 bản chụp giấy tờ tùy thân tới Bộ ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự ở nước ngoài.

Hồ sơ đăng ký nhận, cha mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Hồ sơ đăng ký nhận, cha mẹ, con có yếu tố nước ngoài

 

Lưu ý: Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật Hộ tịch 2014; khoản 1 Điều 15 Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự; Điều 14, khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch

Thủ tục

  1. Bước 1: Nộp giấy tờ đăng ký khai sinh theo quy định ở mục hồ sơ.
  2. Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, Công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
  3. Bước 3: Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con
  4. Bước 4: Công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên đã đăng ký có mặt đầy đủ để ký vào Sổ hộ tịch, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

>>>Xem thêm: Thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật Hộ tịch 2014

Mẫu tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Sau đây là mẫu tờ khai mới nhất được ban hành tại Mẫu số 6, Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP được Bộ Tư Pháp ban hành vào ngày 28/5/2022:

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________

TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHẬN CHA, MẸ, CON

Kính gửi(1)

Họ, chữ đệm, tên người yêu cầu:

Nơi cư trú(2): …………………………………………………………………………………………………………………

Giấy tờ tùy thân (3):………………………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với người nhận cha/mẹ/con(4):…………………………………………………………………………….

Đề nghị Quý cơ quan công nhận người có tên dưới đây:

Họ, chữ đệm, tên:…………………………………………………………………………………………………………..

Ngày, tháng, năm sinh:…………………………………………………………………………………………………..

Giới tính:………………………Dân tộc: …………………………..Quốc tịch:………………………………………

Nơi cư trú (2):…………………………………………………………………………………………………………………

Giấy tờ tùy thân (3):…………………………………………………………………………………………………………

Là………………. của người có tên dưới đây:

Họ, chữ đệm, tên: ………………………………………………………………………………………………………….

Ngày, tháng, năm sinh:…………………………………………………………………………………………………..

Giới tính:…………………………………..Dân tộc:……………..Quốc tịch:……………………………………….

Nơi cư trú(2): …………………………………………………………………………………………………………………

Giấy tờ tùy thân(3):………………………………………………………………………………………………………….

Tôi cam đoan việc nhận…………………………………nói trên là đúng sự thật, tự nguyện, không có tranh chấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam đoan của mình.

Kính đề nghị Quý cơ quan đăng ký.

Làm tại……………………….ngày …………tháng…………năm……

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của người hiện đang là mẹ hoặc cha(5)

Người yêu cầu(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)

 

 

…………………………

 

 

 

Ý kiến của người được nhận là cha, mẹ, con(6)

==>>CLICK TẢI MẪU ĐƠN XIN NHẬN CHA MẸ CHO CON

>>>Xem thêm: Mẫu tờ khai đăng ký nhận cha mẹ cho con

Cơ sở pháp lý: Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch

Lệ phí đăng ký

Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật. Mức thu áp dụng tối đa đối với việc đăng ký hộ tịch tại từng cấp quản lý, như sau:

Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Uỷ ban nhân dân cấp xã:

  • Khai sinh: Không quá 8.000 đồng.
  • Khai tử: Không quá 8.000 đồng.
  • Kết hôn: Không quá 30.000 đồng.
  • Nhận cha, mẹ, con: Không quá 15.000 đồng.
  • Cấp bản sao trích lục hộ tịch: Không quá 3.000 đồng/1 bản sao.
  • Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch: Không quá 15.000 đồng.
  • Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Không quá 15.000 đồng.
  • Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Không quá 8.000 đồng.
  • Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác hoặc đăng ký hộ tịch khác: Không quá 8.000 đồng.

Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

  • Khai sinh: Không quá 75.000 đồng.
  • Khai tử: Không quá 75.000 đồng.
  • Kết hôn: Không quá 1.500.000 đồng.
  • Giám hộ: Không quá 75.000 đồng.
  • Nhận cha, mẹ, con: Không quá 1.500.000 đồng.
  • Cấp bản sao trích lục hộ tịch: Không quá 8.000 đ/1 bản sao.
  • Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc: Không quá 28.000 đồng.
  • Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Không quá 75.000 đồng.
  • Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác hoặc đăng ký hộ tịch khác: Không quá 75.000 đồng.

Như vậy, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài thì lệ phí sẽ không vượt quá 1.500.000 đồng.

Cơ sở pháp lý: khoản b1 Điều 1 Thông tư 179/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư số 02/2014/tt-btc hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Tư vấn đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

  • Tư vấn luật hành chính về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
  • Tư vấn thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài
  • Tư vấn hướng dẫn viết tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
  • Luật sư chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
  • Luật sư hỗ trợ các thủ tục khác liên quan đến đăng ký hộ tịch của công dân Việt Nam hoặc có yếu tố nước ngoài.
  • Thay mặt làm việc đến cơ quan nhà nước về các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Thủ tục nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài là thủ tục mà công dân Việt Nam cần được nắm rõ. Các thông tin về hồ sơ, thủ tục đăng ký Quý khách hàng có thể đọc bài viết trên để nắm rõ hơn thông tin, từ đó chủ động trong việc thực hiện và chuẩn bị. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc hoặc vấn đề cần luật sư tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ luật sư hôn nhân gia đình thì hãy liên hệ HOTLINE 1900.633.716 để được phản hồi nhanh nhất. Xin cảm ơn!

Scores: 5 (46 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,789 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716