Thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm được xác định trong một khoảng thời hạn nhất định và chủ thể có thẩm quyền có thể quyết định gia hạn, kéo dài thời hạn này theo quy định. Hãy cùng Luật L24H tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về thời gian tạm giữ tang vật, xử lý tang vật vi phạm.
Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Các trường hợp bị tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Thẩm quyền ra quyết định
Theo quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Chiếu theo quy định tại các Điều luật tại Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, thì có thể kể đến chủ thể sau đây có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề như:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động;
- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh;
- …..
Trình tự thực hiện
Khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 9 Điều này;
- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngày thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm luật giao thông
Về thời gian tạm giữ tang vật được quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 như sau:
- Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, thời gian tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong 07 ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc theo quy định pháp luật.
Xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ
Tại Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về xử lý tang vật, phương tiện hết thời gian tạm giữ như sau:
- Việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 202).
- Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm và trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định; giấy phép, chứng chỉ hành nghề được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để thu hồi theo quy định của pháp luật.
- Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Xử lý tang vật, phương tiện khi hết thời gian tạm giữ
Tư vấn khi bị tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Tư vấn quy định của pháp luật về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Tư vấn thời điểm được yêu cầu lấy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Tư vấn thủ tục nhận lại tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Tư vấn, giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý có liên quan.
Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là một trong các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Bài viết trên đã cung cấp thông tin về thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu Quý bạn đọc còn thắc mắc hoặc có nhu cầu luật sư tư vấn luật hành chính, vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.633.716 để được hỗ trợ, tư vấn trực tuyến miễn phí.