Thi hành án định giá tài sản thấp hơn giá thị trường phải làm sao?

Thi hành án định giá tài sản thấp hơn giá thị trường thường xuất hiện trong quá trình kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Việc định giá tài sản chính xác giá trị thị trường đảm bảo tính minh bạch trong việc bán đấu giá tài sản, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Bài viết dưới đây của Luật L24H sẽ cung cấp thông tin giúp mọi người xác định phương pháp xử lý thích hợp là khiếu nại hay gửi yêu cầu thẩm định lại tài sản.

Định giá tài sản thấp hơn giá thị trường

Định giá tài sản thấp hơn giá thị trường

Thẩm định giá là gì?

Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

Mục đích của việc thẩm định giá:

  • Xác định giá trị của tài sản để chuyển giao quyền sở hữu: ví dụ về việc xác định giá bán; thiết lập cơ sở giao dịch tài sản…
  • Xác định giá trị của tài sản để phục vụ mục đích – tín dụng như hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản, xác định giá trị hợp đồng bảo hiểm tài sản,
  • Xác định giá trị tài sản để phát triển đầu tư
  • Xác định giá trị của tài sản trong doanh nghiệp nhằm: lập báo cáo thống kê, xác định giá trị doanh nghiệp,…
  • Xác định giá trị tài sản nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý như: tìm giá trị tính thuế hàng năm; xác định giá trị bồi khi Nhà nước thu hồi tài sản,…

Cơ sở pháp lý: Khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012

Quy định chung về Định giá tài sản thi hành án dân sự

Căn cứ các quy định về định giá tài sản thi hành án dân sự thì chia thành hai trường hợp: thỏa thuận được về giá tài sản và không thỏa thuận được giá tài sản. Nội dung dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết.

Có thỏa thuận về giá

Theo quy định, trong trường hợp các đương sự thỏa thuận thành công được về giá tài sản hoặc tổ chức thẩm định giá tài sản ngay khi kê biên tài sản thì Chấp hành viên của Cơ quan thi hành án sẽ lập biên bản về thỏa thuận này. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

Như vậy, giá trị của tài sản sẽ được đương sự thỏa thuận quyết định để bán đấu giá hoặc các bên thỏa thuận tổ chức thẩm định giá quyết định. Thực tế, khi có sự thỏa thuận trong định giá tài sản thì ít xảy ra việc yêu cầu định giá lại hoặc khiếu nại về giá.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Không thỏa thuận được về giá

Theo quy định các trường hợp không thỏa thuận được về giá bao gồm:

  • Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được về tổ chức thẩm định giá
  • Nếu tổ chức thẩm định giá mà đương sự lựa chọn từ chối ký hợp đồng;
  • Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 điều 36 Luật thi hành án dân sự

Ngoài ra, còn có trường hợp các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định, có hành vi định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.

Như vậy, khi thuộc các trường hợp không thỏa thuận được về giá và trường hợp khác nêu trên, thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành định giá tài sản theo quy định.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Quy định chung về định giá tài sản thi hành án

Quy định chung về định giá tài sản thi hành án

Giải quyết khi định giá tài sản thi hành án thấp hơn giá thị trường

Theo quy định pháp luật, khi biết được cơ quan thi hành án có hành vi định giá tài sản thi hành án thấp hơn giá thị trường thì chúng ta có hai phương án để thực hiện: gửi đơn yêu cầu thẩm định giá lại tài sản thi hành án hoặc quyết định gửi đơn khiếu nại về định giá tài sản kê biên.

Định giá lại tài sản thi hành án

Theo quy định, việc định giá lại tài sản thi hành án chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại điều 98 của Luật Thi hành án dân sự dẫn đến sai lệch định giá tài sản
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá thì đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản và phải nộp chi phí tạm ứng định giá lại tài sản. Nếu nộp đơn yêu cầu định giá lại mà quá thời hạn 5 ngày làm việc thì yêu cầu định giá lại tài sản sẽ không được chấp nhận.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).

>>> Xem thêm: Khi nào tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản trong Tố tụng dân sự

Khiếu nại về định giá tài sản kê biên

Theo quy định, chỉ có đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có quyền khiếu nại về quyết định, hành vi định giá giá trị tài sản kê biên thấp hơn giá trị thị trường của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, việc khiếu nại cần phải có căn cứ nhưng thực tế việc xác định căn cứ trong trường hợp này tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự 2008.

>>> Xem thêm: Mẫu đơn xin hoãn thi hành án dân sự

Mẫu đơn đề nghị định giá lại tài sản thi hành án

Sau khi cơ quan thi hành án định giá tài sản thi hành án, trong trường hợp các đương sự không đồng ý với định giá tài sản hoặc Chấp hành viên có hành vi sai phạm dẫn đến sai lệch định giá tài sản thì có quyền đề nghị định giá lại tài sản thi hành án theo Mẫu đơn số D 03-THADS Ban hành kèm phụ lục VI Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.

>>> Mẫu đơn: Đơn yêu cầu định giá lại tài sản

Chi phí thẩm định giá tài sản thi hành án ai chịu?

Chi phí thẩm định giá tài sản

Chi phí thẩm định giá tài sản

Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định về Phí thi hành án dân sự là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) cũng quy định rằng Số tiền thi hành án sẽ được trừ đi chi phí thi hành án và sau đó mới được thanh toán theo thứ tự ưu tiên tại điều luật này cho người được thi hành án.

Như vậy, chi phí thẩm định giá tài sản thi hành án khi Cơ quan thi hành án tiến hành định giá là một trong các khâu để có thể đem tài sản của người phải thi hành án đi đấu giá, bán và giải phóng nghĩa vụ của người phải thi hành án. Khi đó, người được thi hành án sẽ được nhận Số tiền thi hành án sau khi trừ đi chi phí này. Tóm lại, người được thi hành án sẽ có nghĩa vụ chi trả chi phí thẩm định giá tài sản.

Trường hợp người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 như kê biên, xử lý tài sản thì lúc này chi phí thẩm định giá tài sản của người phải thi hành án sẽ do người phải thi hành án chịu được quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).

Lưu ý, người được thi hành án sẽ chịu chi phí cưỡng chế thi hành án khi yêu cầu định giá lại tài sản, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá (lúc này sẽ do Ngân sách Nhà nước chi trả) được quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).

Tư vấn về thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án

Việc bán đấu giá tài sản thi hành án là hoạt động được pháp luật Việt Nam quy định chặt chẽ về thủ tục nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi bạn lựa chọn dịch vụ tư vấn thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án của Luật L24H, bạn sẽ nhận được các hỗ trợ sau:

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan về bán đấu giá tài sản thi hành án.
  • Tư vấn pháp lý trong quá trình thực hiện thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án như: hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, niêm yết đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá,…
  • Hỗ trợ xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
  • Hỗ trợ thực hiện các công việc cần thiết với Cơ quan thi hành án.

>>> Than khảo thêm: Dịch vụ luật sư tranh tụng Giỏi Uy Tín

Trong bài viết trên chúng tôi đã cung cấp cho bạn các quy định liên quan về định giá tài sản, cách xử lý khi định giá tài sản thi hành án thấp hơn giá thị trường cũng như chi phí thẩm định giá lại tài sản. Việc hiểu rõ các quy định trên sẽ giúp bạn có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi gặp phải vấn đề liên quan đến định giá tài sản, giải quyết tranh chấp dân sự. Nếu bạn có thắc mắc hoặc mong muốn được sử dụng dịch vụ tư vấn về định giá tài sản, bán đấu giá tài sản, khiếu nại thẩm định giá, tư vấn luật dân sự có thể liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900.633.716 để được hỗ trợ tư vấn trực tuyến miễn phí. Xin cảm ơn.

Scores: 4.6 (34 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,920 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716