Quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án quy định rõ thẩm quyền và quy trình xét xử các vụ việc liên quan đến hợp đồng lao động. Khi phát sinh tranh chấp, người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Pháp luật quy định cụ thể về loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cũng như vai trò của các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình tố tụng.
Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Các nguyên tắc về giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019. Các nguyên tắc này bao gồm:
- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật;
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật;
- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Các nguyên tắc này được pháp luật đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và tính hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong quá trình xét xử, Tòa án sẽ áp dụng các nguyên tắc này để giải quyết các vụ án tranh chấp lao động.
>>> Xem thêm: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Toà án
Tòa án đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong tranh chấp lao động.
Theo Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Lao động 2019), Tòa án có thẩm quyền giải quyết nhiều loại tranh chấp lao động. Các tranh chấp này bao gồm tranh chấp cá nhân và tập thể, đã qua hòa giải hoặc không bắt buộc hòa giải. Cụ thể, tranh chấp lao động sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong các trường hợp sau:
Đối với tranh chấp lao động cá nhân
Thứ nhất, các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động:
- Hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng;
- Hòa giải không thành;
- Hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
Thứ hai, các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Thứ ba, các tranh chấp lao động cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết:
- Hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập;
- Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp;
- Một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động.
Đối với các tranh chấp lao động tập thể
Thứ nhất, các tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động:
- Hòa giải không thành;
- Hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành.
Thứ hai, tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết:
- Hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập;
- Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp;
- Một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối với các tranh chấp liên quan đến lao động
- Tranh chấp về học nghề, tập nghề;
- Tranh chấp về cho thuê lại lao động;
- Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;
- Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
Ngoài ra, các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
>>> Xem thêm: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động
Tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án
Quy trình giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động
Căn cứ khoản 3 Điều 190 và khoản 3 Điều 194 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp lao động tại Tòa án là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu này áp dụng đối với cả tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Lưu ý: Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể khởi kiện. Khi đó, thời gian có sự kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Quý khách cần lưu ý rằng việc tuân thủ thời hiệu khởi kiện rất quan trọng. Nếu hết thời hiệu, Tòa án có thể từ chối thụ lý vụ án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, các bên nên nhanh chóng tìm hiểu và thực hiện quyền khởi kiện của mình.
Hồ sơ
Khi khởi kiện tại Tòa án, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo Mẫu 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP;
- Bản sao CCCD người khởi kiện;
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Chứng cứ về quan hệ lao động: Hợp đồng lao động, Quyết định tuyển dụng, Sổ bảo hiểm xã hội…;
- Chứng cứ liên quan tranh chấp: Quyết định sa thải, kỷ luật, bảng lương, bảng chấm công, biên bản họp, thỏa thuận;
- Tài liệu về thủ tục hòa giải: Biên bản hòa giải tại cơ sở, Quyết định của Hội đồng trọng tài lao động (nếu có);
- Tài liệu khác: Quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
(Căn cứ: khoản 4, khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Hồ sơ khởi kiện phải được chuẩn bị và soạn thảo theo đúng quy định. Người khởi kiện phải nộp bản chính hoặc bản sao có công chứng hồ sơ khởi kiện.
Quá trình giải quyết
Quá trình giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án sẽ được thực hiện theo quy định tại phần II Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, thủ tục tố tụng sẽ bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Người khởi kiện nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Phân công Thẩm phán
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn.
Thẩm phán có 5 ngày để quyết định: yêu cầu sửa đơn, thụ lý vụ án, chuyển Tòa án khác, hoặc trả lại đơn.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Thẩm phán thông báo nộp tạm ứng án phí.
Người khởi kiện nộp trong 7 ngày. Thẩm phán thụ lý khi nhận biên lai. Trừ trường hợp được miễn tạm ứng án phí.
Bước 4: Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Tòa án tổ chức hòa giải. Các bên tự nguyện thỏa thuận. Nội dung thỏa thuận không vi phạm pháp luật, đạo đức. Trừ trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.
Bước 5: Chuẩn bị xét xử
Tòa án có 2 tháng chuẩn bị. Thu thập chứng cứ, lấy lời khai. Trưng cầu giám định nếu cần. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn. Tuy nhiên, thời gian gia hạn không quá 1 tháng.
Bước 6: Xét xử sơ thẩm
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Tại phiên tòa các bên trình bày, tranh luận để bảo vệ quyền lợi của mình.
(Cơ sở pháp lý: Phần II Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Quý khách cần lưu ý rằng các bên có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm nếu không đồng ý. Theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án
- Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
- Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
>>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân
Luật sư giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án
Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, vai trò của luật sư là rất quan trọng. Luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng các công việc như sau:
- Tư vấn cho khách hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân theo quy định của pháp luật lao động;
- Xác định chính xác vấn đề tranh chấp và phương án giải quyết phù hợp;
- Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ khởi kiện đầy đủ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật;
- Đại diện khách hàng tham gia đàm phán, hòa giải với người sử dụng lao động;
- Trực tiếp tham gia với tư cách đại diện ủy quyền giải quyết, liên hệ và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trực tiếp tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân…) để đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động
Tư vấn giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án
Tranh chấp lao động là ảnh hưởng đến quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Quý khách hàng cần hiểu rõ nguyên tắc và quy trình giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, bao gồm thời hiệu khởi kiện, hồ sơ và quá trình xử lý. Luật L24H sẵn sàng tư vấn pháp luật lao động và đại diện pháp lý cho Quý khách hàng, đảm bảo quyền lợi của bạn được bảo vệ tối ưu. Liên hệ ngay với chúng tôi qua số Hotline: 1900.633.716 để nhận được sự hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp và hiệu quả.