Vấn đề mua bán tài khoản ngân hàng ngày một diễn ra nhiều và có xu hướng tăng cao gây ra nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và ngân hàng khi những đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng lợi dụng thông tin của những tài khoản này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác,… Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng pháp luật quy định xử lý như thế nào sẽ được Luật L24H phân tích dưới đây.
Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng
Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là gì ?
Mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc để thực hiện các hành vi lừa đảo được xác định là hành vi vi phạm pháp luật
Đa số các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.
Các yếu tố cấu thành tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng
- Khách thể: xâm phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
- Chủ thể: người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Mặt khách quan: Thực hiện hành vi trao đổi, thỏa thuận mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm có được các thông tin về tài khoản để thu lợi bất chính. Số lượng tài khoản mua bán thông tin từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hoặc dưới 20 tài khoản ngân hàng nhưng thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên.
- Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Xử phạt hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau:
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cho thuê, thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm cho thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Ngoài ra, sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
.
Xử phạt hành chính về mua bán tài khoản ngân hàng
Xử lý hình sự
Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Gồm 3 khung hình phạt chính:
- Khung 01:
Phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác:
Với số lượng từ 20 – dưới 50 tài khoản; hoặc thu lợi bất chính từ 20 – dưới 50 triệu đồng.
- Khung 02:
Phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 – dưới 200 tài khoản;
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Thu lợi bất chính từ 50 – dưới 200 triệu đồng;
Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03:
Phạt tiền từ 200 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 – 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Rủi ro pháp lý khi mua bán tài khoản ngân hàng
Tội phạm liên quan đến hành vi mua bán trái phép tài khoản các ngân hàng diễn biến tương đối phức tạp. Điều này gây nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và ngân hàng khi những đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng lợi dụng thông tin của những tài khoản này để sử dụng vào các hoạt động phi pháp.
Những người mở và bán các tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thường sẽ mất thông tin cá nhân, đồng thời là người liên quan hoặc tiếp tay cho nhóm lừa đảo trong các vụ án nếu bị phát giác.
Mặc dù cơ quan chức năng và ngành ngân hàng đã đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, song hoạt động này vẫn lén lút diễn ra.
Hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; Chuyển nhận tiền đánh bạc; Tài trợ khủng bố, mua số lô, số đề, mua bán trái phép chất ma túy hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Khi mua bán tài khoản ngân hàng có những rủi ro gì?
Luật sư tư vấn tội mua bán tài khoản ngân hàng
- Luật sư tư vấn về khung hình phạt của tội mua bán tài khoản ngân hàng
- Tư vấn về rủi ro pháp lý khi mua bán tài khoản ngân hàng
- Luật sư tư vấn về cấu thành tội phạm tội mua bán tài khoản ngân hàng
Mua bán tài khoản ngân hàng nhằm mục đích trục lợi của các đối tượng xấu đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Hành vi này rất cần phải lên án vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động giao dịch cũng như bảo đảm tài sản của tổ chức, cá nhân. Nếu trong quá trình tìm hiểu, Quý bạn đọc có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 1900.633.716 để được luật sư hình sự Luật 24H tư vấn kỹ hơn.