Mẫu hợp đồng thuê văn phòng công ty làm việc mới nhất năm 2023

Mẫu hợp đồng thuê văn phòng công ty là văn bản giúp các bên xác định quyền và nghĩa vụ của mình đối với văn phòng cho thuê làm trụ sở. Nhằm đảm bảo giá trị pháp lý đối với việc thuê văn phòng công ty, các bên sẽ thỏa thuận những điều khoản khoản phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi bên nhằm ký kết hợp đồng cho thuê văn phòng công ty phù hợp nhất.

Hợp đồng thuê văn phòng công ty

 Hợp đồng thuê văn phòng công ty

Quy định về hợp đồng cho thuê văn phòng công ty

Hiện nay, với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu thuê văn phòng công ty cũng trở nên rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Pháp luật cũng có một số quy định về hợp đồng cho thuê tài sản nói chung như sau:

Khái niệm hợp đồng cho thuê

Hợp đồng cho thuê văn phòng công ty là một giao dịch dân sự về nhà ở được các bên thỏa thuận và lập thành văn bản theo quy định tại điều 121 luật Nhà ở 2014. Để ký kết hợp đồng cho thuê thì các bên phải đáp ứng được các điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở  quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở 2014 như sau:

Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:

  • Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
  • Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:

  • Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
  • Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, có thể thấy hợp đồng cho thuê văn phòng công ty là một giao dịch dân sự về nhà ở. Trong đó, bên thuê và bên cho thuê phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao dịch về nhà ở. Bên cho thuê giao văn phòng công ty cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn nhất định do các bên thỏa thuận. Trong thời gian thuê, bên thuê phải trả tiền thuê cho bên cho thuê theo đúng như thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê.

Hình thức của hợp đồng cho thuê

Hình thức hợp đồng là cách thức thể hiện của hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng: bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên , đối với hợp đồng cho thuê văn phòng công ty làm việc thì căn cứ vào điều 121 Luật Nhà ở 2014 thì hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản

Trên thực tế, đối với giao dịch cho thuê tài sản nói chung và cho thuê liên quan đến các tài sản có giá trị lớn như bất động sản nói riêng, việc lập thành văn bản không những giúp các bên có thể nắm rõ những quyền và nghĩa vụ của mình đối với tài sản như thời hạn thuê, giá thuê, quyền và nghĩa vụ của các bên… mà đây còn là một trong những tài liệu giấy tờ có giá trị pháp lý nhất để đảm bảo quyền lợi của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Nhà cho thuê làm văn phòng

Nhà cho thuê làm văn phòng

>>> Tham khảo thêm về: Mẫu hợp đồng thuê nhà làm địa điểm kinh doanh 

Hợp đồng cho thuê có cần công chứng không?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:

  • Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
  • Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
  • Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
  • Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

Như vậy, căn cứ vào Khoản 2, Điều 122 Luật nhà ở 2014 thì hợp đồng thuê nhà không thuộc trường hợp phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, đối với trường hợp thuê văn phòng công ty là của cá nhân, bên thuê nên công chứng để nâng cao tính pháp lý và sự ràng buộc đối với bên cho thuê để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mẫu hợp đồng cho thuê văn phòng công ty

Theo quy định tại điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

  • Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
  • Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
  • Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
  • Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
  • Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Cam kết của các bên;
  • Các thỏa thuận khác;
  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
  • Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
  • Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Như vậy, hợp đồng thuê văn phòng công ty làm việc phải được lập thành văn bản và phải đáp ứng các nội dung quy định như trên để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.

mẫu hợp đồng thuê văn phòng

mẫu hợp đồng thuê văn phòng

>>Tải về: Mẫu hợp đồng cho thuê văn phòng công ty

Một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thuê văn phòng công ty

Chủ thể, đối tượng của hợp đồng cho thuê:

Theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Như vậy, chủ thể của hợp đồng thuê tài sản nói chung gồm bên thuê và bên cho thuê.

Đối tượng của hợp đồng thuê nhà ở là diện tích nhà dùng để ở mà chủ nhà chuyển quyền sử dụng cho bên thuê và từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của hai bên. Diện tích nhà ở bao gồm diện tích chính và diện tích phụ. Diện tích chính dùng để ở, sinh hoạt, diện tích phụ dùng cho nhà bếp và sinh hoạt khác.

Trong trường hợp đối với nhà chung cư, diện tích chung trong nhà chung cư đó người thuê có toàn quyền sử dụng. Ngoài ra, bên thuê có quyền hưởng các dịch vụ khác của chung cư đó như thang máy, bãi đậu xe, các khu vực sinh hoạt chung khác dành cho dân cư của chung cư…

Vấn đề về đơn phương phương chấm dứt hợp đồng:

Theo quy định tại điều 132 Luật Nhà ở 2014, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được quy định như sau:

Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;
  • Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
  • Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
  • Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
  • Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;
  • Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.

Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:

  • Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
  • Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;
  • Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong thời hạn cho thuê, nếu một trong các bên vi phạm và đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê thì bên còn lại có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều khoản về đặt cọc:

Theo quy định tại khoản 1 điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc được quy định là:

Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trong các hợp đồng đối với tài sản nói chung và hợp đồng thuê tài sản nói riêng, đặt cọc là một thỏa thuận khá phổ biến để cam kết về việc thực hiện hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 121 Luật Nhà ở 2014 thì không quy định điều khoản về đặt cọc trong nội dung của hợp đồng. Như vậy, tùy vào điều kiện và nhu cầu của các bên mà có thể thỏa thuận về điều khoản đặt cọc cho hợp lý.

Vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng:

Theo quy định tại điều 122 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng thuê văn phòng công ty làm việc không thuộc trường hợp bắt buộc phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên thuê trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nên tiến hành việc công chứng, chứng thực để củng cố giá trị pháp lý của hợp đồng thuê văn phòng trên.

Vấn đề về thay đổi kết cấu nhà ở, văn phòng cho thuê:

Trên thực tế, sau khi tiến hành thuê văn phòng công ty làm việc, bên thuê có thể tiến hành một số hoạt động tu sửa, cải tạo để xây dựng mô hình công ty cho phù hợp. Bên cho thuê cần lưu ý các điều khoản về điều kiện sửa chữa, tu bổ, cấu trúc lại văn phòng công ty trong hợp đồng một cách hợp lý để tránh trường hợp bên thuê làm thay đổi cấu trúc ban đầu của tài sản cho thuê.

Luật sư soạn thảo hợp đồng cho thuê văn phòng công ty.

  • Tư vấn soạn thảo hợp đồng cho thuê văn phòng công ty.
  • Tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng cho thuê.
  • Tư vấn về các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê.
  • Soạn thảo hợp đồng thuê văn phòng công ty làm việc theo yêu cầu.

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh

Trên đây là nội dung tư vấn giải đáp về mẫu hợp đồng cho thuê văn phòng công ty làm việc mới nhất, hình thức của hợp đồng thuê văn phòng công ty, các quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng thuê, một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thuê văn phòng công ty. Quý khách hàng nếu có nhu cầu tư vấn chuyên sâu, cụ thể xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 1900.633.716 để được Luật L24H tư vấn trực tuyến miễn phí.

Scores: 4.6 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,791 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716