Nhà đất là tài sản giá trị nên việc đem tài sản này đi thế chấp khiến người vay trăn trở không biết khi nào ngân hàng được bán đấu giá nhà đất để xử lý khoản nợ của họ. Ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp là nhà đất khi thuộc trường hợp pháp luật cho phép phát mãi tài sản và thực hiện thông qua bán đấu giá nhà đất đó. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời quý bạn đọc cũng theo dõi bài viết dưới đây.
Những trường hợp ngân hàng được bán đấu giá nhà đất
Các trường hợp ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp.
Nhà đất được ngân hàng bán đấu giá là những nhà đất được người đi vay thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Những nhà đất này thuộc sở hữu của bên đi vay và còn được gọi là tài sản thế chấp hay tài sản bảo đảm. Thông thường, tài sản sẽ do bên đi vay giữ hoặc hai bên có thể thỏa thuận cho một bên thứ ba giữ tài sản này. Và ngân hàng sẽ có quyền xử lý đối với tài sản này khi rơi vào những trường hợp được quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Bên cạnh đó, tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định có 04 phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp bao gồm: bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; phương thức khác tùy các bên thỏa thuận.
Điều kiện để ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không khởi kiện.
Để ngân hàng có thể thực hiện việc bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không phải khởi kiện thì ngoài điều kiện là tài sản đã rơi vào trường hợp ngân hàng được phép xử lý thì còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tài sản đã thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký bảo đảm;
- Bán đấu giá là phương thức xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận giữa 2 bên; hoặc 2 bên không thỏa thuận về phương thức xử lý;
- Việc bán đấu giá tài sản thể chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản;
- Ngân hàng phải thông báo việc xử lý tài sản thế chấp cho bên thế chấp, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Còn trong trường hợp nhà đất thế chấp là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên thế chấp thì khi bên thế chấp không giao tài sản cho ngân hàng xử lý thì ngân hàng có quyền thu, giữ tài sản đó khi đủ các điều kiện:
- Rơi vào trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 299 của Bộ luật Dân sự 2015;
- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;
- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;
- Ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định pháp luật.
(CSPL: khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14)
Cách thức ngân hàng tiến hành đấu giá nhà đất thế chấp.
Ngân hàng tiến hành đấu giá nhà đất thế chấp
Các hình thức đấu giá.
Về hình thức đấu giá nhà đất thế chấp thì theo quy định tại Điều 40 Luật Đấu giá 2016, có các hình thức đấu giá sau:
- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
- Đấu giá trực tuyến
Theo đó, tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức trên để tiến hành cuộc đấu giá.
Trình tự tổ chức đấu giá nhà đất.
- Bước 1: Chuẩn bị đấu giá tài sản
Trước khi thực hiện bán đấu giá tài sản, Ngân hàng sẽ thuê đơn vị thẩm định giá, thẩm định lại giá trị nhà đất đó. Sau đó, Ngân hàng sẽ ký Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản.
- Bước 2: Thông báo thông tin bán đấu giá
Ngân hàng đề nghị Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản (với nhà đất thì phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã nơi có bất động sản ít nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá). Bên cạnh đó, cũng phải công khai các thông tin: giá khởi điểm; địa điểm, thời gian thực hiện đấu giá;…
- Bước 3: Đăng ký tham gia đấu giá: các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá thường bắt buộc phải mua và nộp hồ sơ theo quy định của Tổ chức bán đấu giá.
- Bước 4: Trình tự, thủ tục tại cuộc đấu giá
Trước ngày mở cuộc đấu giá 03 ngày, người tham gia phải nộp một khoản tiền đặt trước.Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Sau đó trình tự, thủ tục tại cuộc đấu giá sẽ được đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản, dựa trên phương thức được sử dụng tại cuộc đấu giá.
Đối với ngân hàng thì cần chuẩn bị một số giấy tờ pháp lý trong hồ sơ khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm qua tổ chức bán đấu giá:
- Quyết định của ngân hàng về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản;
- Văn bản đề nghị bán đấu giá tài sản;
- Bản án, quyết định thi hành bản án, quyết định kê biên xử lý tài sản thi hành án;
- Văn bản định giá tài sản và các giấy tờ có liên quan đến giá tài sản;
- Văn bản xác định giá trị khởi điểm của tài sản.
>>> Xem thêm: Quy trình thu hồi xử lý tài sản đảm bảo thế chấp ngân hàng
Tư vấn phát mại tài sản thế chấp
Tư vấn xử lý tài sản thế chấp
- Tư vấn pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm, phương thức bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm;
- Tư vấn thủ tục xử lý và quy trình thu hồi tài sản thế chấp.
- Xác định phương án giải quyết tối ưu đối với nhà đất thế chấp.
- Trợ giúp chuẩn bị hồ sơ soạn thảo giấy tờ cần thiết để trình gửi đến các bên có liên quan.
- Giám sát, đảm bảo việc phát mãi tài sản thế chấp diễn ra đúng luật định.
- Tư vấn thủ tục mua bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng.
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng sau khi tài sản thế chấp đã được xử lý, đặc biệt các tài sản phải đăng ký.
>>>Xem thêm: thủ tục mua bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng.
Việc ngân hàng được phép tiến hành bán đấu giá nhà đất thế chấp phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Không chỉ riêng ngân hàng mà chủ sở hữu nhà đất cũng nên tìm hiểu về quy trình này để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu trong quá trình tìm hiểu quý bạn đọc cần giải đáp những thắc mắc liên quan: bao lâu thì bị phát mại tài sản, quy trình niêm phong tài sản thế chấp, cách mua nhà bán đấu giá,…, hoặc cần hỗ trợ cho tình huống cụ thể mình đang gặp phải thì hãy liên hệ số hotline 1900.633.716 để được Luật sư dân sự tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn.