Hợp đồng điện tử là gì? lợi ích, hạn chế, khác gì với hợp đồng truyền thống

Hợp đồng điện tử là giải pháp hiệu quả trong giai đoạn mà “điện tử” công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Tuy nhiên, loại hình hợp đồng này cũng có lợi ích và hạn chế nhất định. Đồng thời không phải ai cũng biết và hiểu về giao dịch qua hợp đồng điện tử và tính pháp lý của nó. Vì thế, để nắm bắt chi tiết về loại hợp đồng này mời Quý độc giả cùng tham khảo bài viết bên dưới của Luật L24H.

Hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử là gì?

Theo Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng Thông điệp dữ liệu. Mà thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. (Cơ sở pháp lý khoản 12 Điều 4 và Điều 10 Luật Giao dịch điện tử 2005)

Đặc điểm của hợp đồng điện tử?

  • Hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu
  • Thực hiện giao kết hợp đồng điện tử: Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.
  • Có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể trong giao kết hợp đồng: Bên cạnh chủ thể giao kết thông thường còn có sự xuất hiện của bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử – đó là các nhà cung cấp các dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Họ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
  • Có thể giao kết ở bất kỳ địa điểm và thời gian: Vì hợp đồng điện tử được giao kết dưới dạng thông điệp dữ liệu do đó các chủ thể giao kết hợp đồng không cần gặp mặt và ký kết trực tiếp. Cho nên bất kể khi nào và ở đâu, hai bên đều có thể chủ động ký kết hợp đồng.
  • Tính vô hình, phi vật chất: Môi trường điện tử là môi trường “ảo”, do đó các hợp đồng điện tử mang tính vô hình vì hợp đồng điện tử không thể sờ cầm nắm được mà nó chỉ tồn tại và được lưu trữ, được chứng minh bởi các dữ liệu điện tử

Đặc điểm của hợp đồng điện tử

Đặc điểm của hợp đồng điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Tại Điều 34 Luật giao dịch điện tử 2005 quy định về việc thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.” Đồng thời cũng trong Điều 14 của Luật này ‘Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.”

Ngoài ra theo Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản

Mới đây tại Điều 12 Thông tư 87/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước: “Hợp đồng điện tử được phép sử dụng để giao kết trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, có giá trị pháp lý như hợp đồng giấy”.

Như vậy có thể thấy được rằng, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng truyền thống và được nhà nước quy định về tính pháp lý của nó, được sử dụng làm chứng cứ khi một trong hai bên tham gia không thực hiện đúng những điều khoản thỏa thuận.

Tính pháp lý của hợp đồng điện tử

Tính pháp lý của hợp đồng điện tử

Lợi ích và hạn chế của hợp đồng điện tử

Lợi ích

  • Quá trình giao dịch, mua bán nhanh và chính xác
  • Lưu trữ bảo mật an toàn, dễ dàng kiểm tra và tìm kiếm.
  • Hợp đồng công khai với các bên tham gia, có thể truy cập, xem và chỉnh sửa bằng các phương pháp mã hoá hợp pháp đã thoả thuận, có lịch sử ghi chép các hoạt động thay đổi đối với hợp đồng.
  • Giải quyết nhanh chóng khi xảy ra tranh chấp nhờ các phần mềm hợp đồng điện tử đều có tính năng lưu lại lịch sử hoạt động, lịch sử ký của các bên tham gia như người ký, tên công ty, IP máy tính, thời gian ký,…
  • Tiết kiệm được thời gian: Mọi thao tác, quy trình từ soạn thảo, duyệt, ký, gửi, nhận hợp đồng đều được thực hiện thông qua nền tảng internet một cách nhanh chóng. Nhờ đó, giúp tiết kiệm tối đa thời gian, công sức.
  • Giảm bớt chi phí: chi phí giấy và mực in, chi phí tủ lưu trữ, chi phí quản lý, chi phí bảo quản…. rút bớt được khoản chi phí đi lại, gặp gỡ khách hàng.

Hạn chế

  • Khó xác định được địa điểm ký kết khi có tranh chấp xảy ra: Do hợp đồng điện tử có thể kí ở mọi nơi nên việc xác định địa điểm giao kết hợp đồng và đặc biệt trong giao kết hợp đồng quốc tế rất khó để xác định được địa điểm.
  • Bị mất hoặc bị tiết lộ dữ liệu: Việc xảy ra mất hay dữ liệu bị lộ có thể là do chủ thể thứ ba là các cơ quan chứng thực dữ liệu điện tử. Hoặc có thể bị tấn công bởi các Hacker.

Phân biệt hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống

  • Về hình thức:

Hợp đồng điện tử: Giao dịch bằng phương tiện điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu Được ký bằng chữ ký điện tử để thể hiện việc giao kết.

Hợp đồng truyền thống: Được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. (CSPL Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015)

  • Về chủ thể

Hợp đồng điện tử: Trong giao dịch điện tử ngoài các chủ thể tham gia giao kết ví dụ như hợp đồng truyền thống (người bán, người mua) thì nó đã xuất hiện các bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử nhưng không tham gia vào hợp đồng.

Hợp đồng truyền thống: chỉ có các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng không có bên thứ ba, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

  • Về nội dung:

Hợp đồng điện tử: Vì hợp đồng điện tử chỉ là một loại hợp đồng được ký kết thông qua hình thức điện tử nên nó sẽ có nội dung như một hợp đồng truyền thông nhưng nó vẫn có một vài điểm khác như: Các quy định về chỉnh sửa thông tin điện tử và quyền truy cập ví dụ như cách thu hồi hay hủy  một đề nghị giao kết hợp đồng trên mạng Internet, hoặc quy định về việc sửa đổi bổ sung hợp đồng điện tử …  ;các quy định về chữ ký điện tử hoặc một cách thức khác như mật khẩu, mã số,…để thay thế chữ ký truyền thống của hai bên, để xác định được các thông tin có giá trị về các chủ thể giao kết hợp đồng

Hợp đồng truyền thống: Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

  • Quy trình giao kết:

Hợp đồng điện tử: Các bên tham gia không cần gặp mặt trực tiếp, chỉ cần trao đổi qua môi trường điện tử và đi đến việc ký hợp đồng. Sẽ được ký bằng chữ ký điện tử

Hợp đồng truyền thống: Các bên gặp mặt và giao kết trực tiếp, trao đổi với nhau bằng các phương tiện “ giấy tờ”, “ vật chất” và ký bằng chữ ký tay

Luật sư tư vấn về hợp đồng điện tử

  • Giải quyết tranh chấp khi có phát sinh từ hợp đồng
  • Hỗ trợ thực hiện hợp đồng điện tử
  • Tư vấn xử lý các vấn đề phát sinh từ hợp đồng
  • Tư vấn quản trị rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng
  • Tư vấn soạn thảo hợp đồng, đàm phán giao kết hợp đồng
  • Thu thập, phân tích chứng cứ khi có vi phạm hợp đồng điện tử
  • Nghiên cứu, tìm hiểu về đối tác của việc ký hợp đồng điện tử
  • Hỗ trợ tham mưu về các điều khoản có hiệu lực trong hợp đồng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích đối với khách hàng

Ở giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập ngày nay hợp đồng điện tử đang dần trở thành công cụ đắc lực và xuất hiện nhiều trong các doanh nghiệp và đời sống xã hội. Do đó nó đóng vai trò rất quan trọng, vì thế nếu Quý Độc giả còn có sự thắc mắc hoặc sợ rủi ro khi thực hiện hợp đồng điện tử hãy gọi ngay cho Luật sư của Luật L24H qua số Hotline 1900633716 để được tư vấn. Xin cảm ơn Quý độc giả.

Scores: 4.8 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,827 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716