Cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép là biện pháp cưỡng chế hành chính nhằm khắc phục hậu quả được áp dụng đồng thời với việc xử phạt vi phạm hành chính khi tổ chức, cá nhân xây dựng có hành vi vi phạm. Quyết định cưỡng chế hành chính sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định sau khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt hành chính nhưng tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt. Khi đó, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
Thế nào là buộc tháo dỡ và công trình xây dựng trái phép?
Buộc tháo dỡ
- Là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm khắc phục hậu quả đối với vi phạm của cá nhân, tổ chức.
- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 2 Điều 28, Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2022, năm 2023).
Công trình xây dựng trái phép
Tổ chức, cá nhân xây dựng không đúng với nội dung của Giấy phép xây dựng được xem là công trình xây dựng trái phép. Một số hành vi xây dựng trái phép nhất định dẫn đến việc cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Khi nào buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép?
Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhằm buộc tháo dỡ công trình đối với các hành vi sau đây:
- Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn.
- Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới.
- Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
- Hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng mà hành vi vi phạm đã kết thúc.
- Hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt.
- Hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
- Hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
- Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ sở pháp lý: điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ).
Trình tự cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
Thẩm quyền
Việc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép là biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 4 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP. Theo đó các chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này là:
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng), Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng.
- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng).
- Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Cơ sở pháp lý: Điều 72 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, năm 2022).
Quy trình
- Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.
- Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.
- Tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi văn bản thông báo (tính theo dấu bưu điện) hoặc từ ngày có biên bản bàn giao thông báo, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
- Tổ chức, cá nhân không thực hiện biện pháp buộc phá dỡ quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 81 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó.
- Người có thẩm quyền ra quyết định có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.
Cơ sở pháp lý: Điều 81 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 01 năm 2022; Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2022, năm 2023).
Luật sư tư vấn trình tự, thủ tục tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
tư vấn trình tự, thủ tục tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
- Tư vấn quy định của pháp luật về biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ.
- Tư vấn quy định của pháp luật về công trình xây dựng trái phép.
- Tư vấn thẩm quyền buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
- Tư vấn trình tự, thủ tục tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
- Tư vấn mức xử phạt đối với công trình xây dựng trái phép.
>>> Xem thêm Quy định mức xử phạt xây nhà không có Giấy phép xây dựng
>>> Xem thêm Mẫu đơn tố cáo xây dựng trái phép
Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép là biện pháp khắc phục hậu quả nhằm cưỡng chế thi hành đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện sau khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt hành chính. Qua bài viết nếu Quý Khách hàng thấy chưa rõ hoặc muốn tham khảo thêm về dịch vụ Tư vấn Luật Xây dựng, vui lòng liên hệ Hotline 1900633716 để được đội ngũ luật sư hỗ trợ tư vấn miễn phí. Trân trọng cảm ơn!