Cửa hàng cầm đồ có được phép bán xe đang cầm cố không. Thực tế, có rất nhiều người mua xe máy cũ tại cửa tiệm cầm đồ. Việc mua bán xe ở tiệm cầm đồ dẫn đến những vấn đề pháp lý liên quan. Theo dõi bài viết dưới đây của Luật L24H để biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này.
Cửa hàng cầm cố xe máy có được bán xe
Quy định pháp luật về cầm cố
Cầm cố tài sản là gì?
Cầm cố tài sản là một trong 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Theo đó, bên cầm cố giao cho bên nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm thực hiện nghĩa vụ.
>>> Xem thêm: Xử lý hành vi tự ý cầm cố tài sản của người khác
Đối tượng của hợp đồng cầm cố
Đối tượng của hợp đồng cầm cố là tài sản. Theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản thì:
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Đồng thời, Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Tài sản đảm bảo:
- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Như vậy, các loại tài sản thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố là đối tượng của hợp đồng cầm cố. Trên thực tế, những tài sản thường được mang cầm cố tại tiệm cầm đồ là xe máy, điện thoại, laptop,…
Mục đích của cầm cố tài sản
Mục đích của việc cầm cố tài sản là nhằm đảm bảo bảo thực hiện nghĩa vụ. Có thể thấy, việc cầm cố là một dạng “giữ hộ” tài sản của người khác để thực hiện nghĩa vụ giữa người nhận cầm cố và người cầm cố.
>>> Xem thêm: Mượn xe người khác đi cầm cố phạm tội gì?
Tiệm cầm đồ được bán xe đang cầm cố không?
Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố như sau:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
- Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Điều 314 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền của bên nhận cầm cố như sau:
- Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
- Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
- Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Theo đó, bên nhận cầm cố không được bán tài sản cầm cố để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015. Bởi lẽ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác thì bên nhận cầm cố phải trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan cho bên cầm cố.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý, tức bên nhận cầm cố được xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trước khi xử lý tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản cầm cố cho bên cầm cố. Trường hợp bên nhận cầm cố không thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên cầm cố theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015.
Phương thức xử lý tài sản cầm cố được quy định tại Điều 303 như sau:
Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nêu trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và các trường hợp khác do các bên thỏa thuận thì tiệm cầm đồ có quyền bán xe đang cầm cố. Việc bán xe cần được tiệm cầm đồ thỏa thuận cụ thể hợp đồng cầm cố và thông báo đến người cầm đồ.
Bán xe đang cầm cố có đúng luật
Hậu quả pháp lý của việc tự ý bán xe cầm cố
Việc tiệm cầm đồ tự ý bán xe đang cầm cố cho bên thứ ba là trái với quy định của pháp luật, thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu. Bên cầm xe có quyền đòi lại xe và yêu cầu tiệm cầm đồ bồi thường thiệt hại. Nếu giữa tiệm cầm đồ và bên cầm cố không thỏa thuận được về cách giải quyết thì bên cầm cố có quyền khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cơ sở pháp lý: Điều 117, 131, 133 Bộ luật Dân sự 2015.
>>> Xem thêm: Nhận cầm cố xe không chính chủ có bị phạt không?
Mua xe ở tiệm cầm đồ được sang tên không?
Việc mua xe ở tiệm cầm đồ vẫn được sang tên nếu tiến hành làm thủ tục và có đầy đủ những giấy tờ cần thiết. Về hồ sơ, thủ tục sang tên, Điều 19 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về Giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người như sau:
Thủ tục, hồ sơ sang tên:
Người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe để làm thủ tục sang tên, xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;
- Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).
Thủ tục, hồ sơ đăng ký sang tên:
Người đang sử dụng xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú: xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này và nộp giấy tờ sau:
- Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01);
- Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định;
- Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).
Thủ tục sang tên xe máy
Tư vấn về cầm cố tài sản
- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến cầm cố tài sản;
- Tư vấn và soạn thảo hợp đồng cầm cố tài sản;
- Đại diện theo ủy quyền khách hàng giải quyết các thủ tục pháp lý cần thiết khi phát sinh tranh chấp liên quan đến việc cầm cố tài sản.
>>> Xem thêm: Dùng giấy tờ giả cầm cố phạm tội gì? Bị xử lý như thế nào?
Cửa hàng cầm đồ chỉ được bán xe đang cầm cố xe trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và các trường hợp khác do các bên thỏa thuận. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào cần Luật sư dân sự tư vấn giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900.633.716 để được tư vấn kịp thời và hiệu quả. Xin cảm ơn!