Công ty chậm trả lương, nợ lương người lao động nên làm gì?

Công ty chậm trả lương, nợ lương người lao động nên làm gì? là câu hỏi phổ ở thời điểm hiện tại khi mà các Công ty/doanh nghiệp đang gặp khó khăn cố gắng duy trì công việc kinh doanh của mình dẫn đến nợ lượng nhân viên. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động khi họ không được trả tiền công đúng hạn. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về việc chậm thanh toán lương của người sử dụng lao động, người lao động cần làm gì khi bị chậm lương và một số vấn đề liên quan khác.

Công ty chậm trả lương cho người lao động

Công ty chậm trả lương cho người lao động

Quy định pháp luật về thời hạn trả lương cho người lao động

Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định rất rõ về kỳ hạn trả lương của người sử dụng lao động như sau:
  • Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  • Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
  • Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp bạn làm công việc hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận.
Trường hợp bạn hưởng lương theo tháng thì được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Theo đó, quy định ngày trả lương hàng tháng sẽ do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
Điều này có nghĩa, khi giao kết hợp đồng lao động, bạn và công ty sẽ thỏa thuận rõ ràng về các vấn đề như hình thức trả lương, tiền lương, ngày trả lương,… các thỏa thuận này sẽ được ghi lại trong hợp đồng lao động hoặc đã được ghi trong quy chế trả lương, quy chế tiền lương của công ty. Do đó, ngày trả lương có thể là cuối tháng hoặc các ngày đầu tháng sau kế tiếp tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, quy chế trả lương hoặc quy chế tiền lương của công ty
Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động đúng kỳ hạn bởi điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động trong việc thực hiện kế hoạch chi tiêu tài chính của bản thân và gia đình họ cũng như việc lên phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh thu chi tài chính, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người sử dụng lao động.

Trường hợp nào doanh nghiệp được chậm trả lương cho người lao động?

Việc trả lương đúng hạn được xem là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và thường được hai bên thỏa thuận, ký kết trong hợp đồng lao động. Theo điểm b khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019(BLLĐ 2019) và khoản 1 Điều 94 BLLĐ 2019 quy định quyền được hưởng lương theo đúng thỏa thuận của người lao động và nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên khoản 4 Điều 97 BLLĐ năm 2019 cũng cho phép doanh nghiệp được nợ lương người lao động trong trường hợp sau: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bất khả kháng thì tùy vào hoàn cảnh mà xác định liệu đó có phải là trường hợp công ty được chậm trả lương hay không cũng tạo ra nhiều sự tranh cãi.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về cách xác định “sự kiện bất khả kháng” như sau:

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
  • Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Chậm lương trong trường hợp bất khả kháng

Chậm lương trong trường hợp bất khả kháng

Công ty trả chậm, không trả lương cho nhân viên thì bị xử lý như thế nào?

Thời hạn chậm trả lương theo quy định của luật.

Thời hạn mà pháp luật cho phép người sử dụng chậm trả lương cho người lao động là không vượt quá 30 ngày theo quy định tại khoản 4 Điều 97 BLLĐ năm 2019 nếu không sẽ Thời hạn chậm trả lương theo quy định của luật.

Xử phạt khi chậm trả lương cho nhân viên

Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với 05 trường hợp trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật như sau:

  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;”

Đây là mức xử phạt đối với cá nhân sử dụng lao động vi phạm. Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tổ chức sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần so với khoản tiền phạt nêu trên.

Người lao động cần làm gì khi bị nợ lương, chậm trả lương?

Người lao động cần làm gì khi bị chậm trả lương

Người lao động cần làm gì khi bị chậm trả lương

Bước 1: Khiếu nại tới cơ quan chức năng

Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trước hết, người lao động phải gửi đơn khiếu nại đến chủ doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết tiền lương. Nếu doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì mới gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở với điều kiện đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó

Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.

Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24).

Mẫu đơn khiếu nại công ty không trả lương

Mẫu đơn khiếu nại công ty chậm trả lương

>>> Click tải: Mẫu đơn khiếu nại

Bước 2: Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động

Theo khoản 1 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 BLLĐ năm 2019).

Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết

Bước 3: Khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.

Căn cứ khoản 3 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

>>> Click tải: Mẫu đơn khởi kiện dân sự

Luật sư tư vấn về thủ tục khiếu nại, khởi kiện đòi tiền lương

Các câu hỏi thường gặp về việc công ty chậm trả lương cho nhân viên, người lao động

Thời điểm công ty trả lương cho người lao động như thế nào?

Theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 thì thời điểm công ty trả lương được chia thành hai trường hợp:

Trường hợp trả lương theo thời gian:

Hưởng lương theo giờ, ngày, tuần: Được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Hưởng lương tháng: Được trả lương 01 lần/tháng hoặc nửa tháng một lần, thời điểm trả lương do các bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

Trường hợp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán: Lương được trả theo kỳ hạn đã thỏa thuận của hai bên.

Thời gian công ty được nợ lương người lao động?

Căn cứ Điều 94 BLLĐ 2019 thì người sử dụng lao động phải trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán như nội dung nêu tại mục 1.

Ngoài ra, BLLĐ 2019 cũng có quy định cho phép người sử dụng lao động được chậm trả lương cho người lao động trong trường hợp nhất định. Điều này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 như sau:

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động đã tìm đủ mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn thì có quyền chậm trả lương nhưng không quá 30 ngày nhưng phải đền bù cho người lao động.

Thời hiệu khởi kiện đòi tiên lương là bao lâu?

Căn cứ (khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019), thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Hết thời hạn nói trên thì yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện không được Tòa án chấp nhận. Chính vì vậy, khi bị xâm phạm đến quyền và lợi ích, người khởi kiện cần làm nhờ sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền.

Nộp đơn khiếu nại công ty không trả lương ở đâu?

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động của mình bị khiếu nại.

Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.

Quy trình tiếp nhận đơn khởi kiện đòi tiền lương như thế nào?

  1. Người khởi kiện nộp đơn đến tòa án
  2. Tòa án xem xét đơn, nếu hợp lệ thông báo tạm ứng án phí cho người khởi kiện.
  3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tạm ứng án phí, người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
  4. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được biên lai đóng tiền tạm ứng án phí của người khởi kiện, tòa án tiến hành thụ lý vụ án theo quy định pháp luật.

Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin về trường hợp công ty chậm lương, chế tài xử phạt nếu công ty chậm lương, hướng xử lý cho người lao động. Hy vọng với thông tin mà chúng tôi cũng cấp sẽ giúp ích được cho Quý khách hàng. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc cần luật sư giải đáp TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG, vui lòng gọi về Hotline 1900.633.716 để được luật sư chuyên về lao động trực tiếp tư vấn cụ thể miễn phí.

Scores: 4.8 (46 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,819 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716