Chung hộ khẩu với người chết có đương nhiên hưởng quyền thừa kế?

Chung hộ khẩu với người chết có đương nhiên hưởng quyền thừa kế là trường hợp cá nhân chung hộ khẩu với người đã mất xảy ra tranh chấp về quyền lợi về tài sản, di sản thừa kế. Chính vì vậy, Tôi xin gửi đến các quy định của pháp luật dân sự về chia thừa kế, điều kiện để được hưởng thừa kế. Qua đó, giải đáp thắc mắc các về vấn đề trên của Quý bạn đọc.

Người chung hộ khẩu với người chết có được thừa kế

Người chung hộ khẩu với người chết có được thừa kế

Các trường hợp chia thừa kế

Thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để di sản được chia theo di chúc, yêu cầu bản di chúc trên phải phù hợp với các điều kiện tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, chủ thể có quyền nhận di sản thừa kế không rơi vào các trường hợp không được hưởng di sản.

Theo quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015, việc phân chia di sản theo di chúc được thực hiện như sau:

  • Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  • Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
  • Di sản thừa kế được phân chia theo ý chí của người để lại di chúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 về trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Cơ sở pháp lý: Điều 624, Điều 630, Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015.

Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, những trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật bao gồm:

  • Không có di chúc.
  • Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản.
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà từ chối nhận di sản.
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Cơ sở pháp lý: Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều kiện để được hưởng thừa kế

Về người thừa kế:

  • Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi ngời để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
  • Người thừa kế phải không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 như: bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản…

Về thừa kế theo di chúc: Phải là người được hưởng di sản trong di chúc của người để lại di sản. Trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản thì phải thuộc một trong các trường hợp như: Là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ chồng; Hoặc là con chưa thành niên mà không có khả năng lao động.

Về thừa kế theo pháp luật: Phải là người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản hoặc được thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

Cơ sở pháp lý: Điều Điều 613, Điều 621, Điều 651, Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều kiện để được hưởng di chúc

Điều kiện để được hưởng di chúc

Chung hộ khẩu với người chết có đương nhiên được hưởng di sản thừa kế không?

Người chung hộ khẩu là gì?

Luật Cư trú 2020 đã không còn quy định về khái niệm sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, tại Điều 24 Luật Cư trú 2006, Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Qua đó, người chung hộ khẩu được hiểu là những người đã đăng ký thường trú cùng tại một địa điểm và có cùng có tên trong sổ hộ khẩu đã được cấp.

Người chung hộ khẩu có được hưởng di sản thừa kế?

Như đã trình bày ở trên, việc thừa kế di sản sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Nếu có di chúc, người để lại di sản chỉ định ai là người nhận thừa kế theo di chúc thì cá nhân đó sẽ được nhận thừa kế. Còn nếu không có di chúc thì việc chia di sản thừa kế sẽ thực hiện theo hàng thừa kế.

Việc chung sổ hộ khẩu với người chết chỉ là việc các cá nhân cùng được đăng ký thường trú trong một sổ hộ khẩu. Qua đó, cá nhân chung sổ hộ khẩu với người chết không đồng nghĩa với việc họ là người được hưởng di sản theo di chúc của người chết hoặc được thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, không phải trường hợp nào người chung sổ hộ khẩu đều được hưởng di sản thừa kế. Họ chỉ được hưởng khi là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản.

Cơ sở pháp lý: Điều 659, Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư dân sự tư vấn thừa kế

  • Tư vấn thủ tục lập di chúc
  • Tư vấn thừa kế tài sản, chia di sản thừa kế
  • Tư vấn thủ tục yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
  • Hỗ trợ các thủ tục theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật khi khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế
  • Đại diện theo ủy quyền của khách hàng thực hiện khiếu nại, khởi kiện để đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng;
  • Tư vấn các nội dung khác có liên quan.

Luật sư dân sự tư vấn thừa kế

Luật sư dân sự tư vấn thừa kế

Như vậy, bài viết trên tôi đã cung cấp các thông tin về chia di sản, điều kiện để được hưởng di sản và các vấn đề khác có liên quan. Qua đó, từng bước làm rõ vấn đề và giúp Quý bạn đọc trả lời câu hỏi: Chung hộ khẩu với người chết có đương nhiên được hưởng quyền thừa kế không? Nếu có thắc mắc về vấn đề trên cần tôi tư vấn luật thừa kế, tư vấn luật dân sự trực tuyến miễn phí vui lòng gọi vào qua Hotline 1900633716 để được tư vấn, hỗ trợ.

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,919 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716