Chơi đá gà vào dịp Tết Âm lịch có bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chơi đá gà vào dịp Tết là một trong các trò chơi dân gian ngày Tết được mọi người yêu thích, còn được biết đến với tên gọi khác là chọi gà. Tuy nhiên, bên cạnh những người xem lành mạnh, nhiều cá nhân lợi dụng dịp Tết Nguyên đán tổ chức đá gà để chơi cá cược, ăn tiền, đá gà qua mạng. Do đó, qua bài viết này Luật L24H thông tin đến Quý khách hàng những trường hợp chơi đá gà bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào dịp Tết Âm lịch và mức phạt phải chịu.

Chơi đá gà vào dịp Tết

Chơi đá gà vào dịp Tết

Căn cứ tính số tiền đánh bạc

Hiện nay, do không có văn bản hướng dẫn nào quy định về cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng có thể dựa vào tinh thần của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP.

Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

  • Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc không thuộc trường hợp đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
  • Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
  • Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”;
  • Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.

Ngoài ra, tiền hoặc hiện vật dùng làm căn cứ tính số tiền đánh bạc được xác định trên nhiều vị trí khác nhau bao gồm:

  • Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
  • Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
  • Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Ở đây, Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 đã có sự thay đổi so với Bộ luật Hình sự 1999, cụ thể là thay đổi mức định lượng từ 2.000.000 đồng thành 5.000.000 đồng và bổ sung tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này”. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Cơ sở pháp lý: khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP; Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Khi nào chơi đá gà bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, đá gà không chỉ là một trò chơi dân gian được tổ chức vào dịp Tết mà đã bị biến tướng trở thành tệ nạn xã hội bị pháp luật cấm thực hiện, cụ thể là tội đánh bạc tại Điều 321 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS).

Hành vi chơi đá gà bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội đánh bạc khi đáp ứng đồng thời các yếu tố:

  • Hành vi chơi đá gà dưới bất kỳ hình thức nào (trực tuyến qua mạng hay trực tiếp truyền thống tại một địa điểm cụ thể);
  • Có thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng nhưng trước đó đã vi phạm hành vi tương tự mà chưa được xóa án tích.

Có thể thấy tội đánh bạc nói chung hay với hành vi chơi đá gà nói riêng chỉ quy định hành vi khách quan mà không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi hậu quả mà nó đem lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình, xã hội và gây ra có thể cấu thành nhiều tội phạm khác như trộm cắp, cướp giật, giết người…

Như vậy, chơi đá gà được tổ chức hợp pháp nhằm mục đích mua vui, giải trí trong dịp lễ, Tết và không có hành vi cá cược thắng thua bằng tiền thì không được xem là hành vi vi phạm pháp luật và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại nếu chơi đá gà ăn tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc và những hình phạt bổ sung liên quan tùy thuộc vào tính chất và mức độ của vụ việc.

>>> Xem thêm: Đánh bạc bao nhiêu tiền bị khởi tố hình sự

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi chơi đá gà

Khung hình phạt đối với hành vi chơi đá gà

Khung hình phạt đối với hành vi chơi đá gà

Người chơi đá gà

Căn cứ theo Điều 321 BLHS quy định trách nhiệm hình sự mà người chơi đá gà phải chịu khi có hành vi chơi đá gà cá cược ăn tiền.

Thứ nhất, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với các trường hợp:

  • Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
  • Dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật
  • Hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Thứ hai, bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
  • Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Thứ ba, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo quy định trên thì mọi hình thức đánh bạc được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hơn 5.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Mức xử phạt mà người tham gia phải chịu có thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng 07 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

>>> Xem thêm: Khung hình phạt tội đánh bạc, mức xử phạt hành chính

Người tổ chức chơi đá gà

Riêng đối với người tổ chức cuộc thi chọi gà có cá cược, ngoài trách nhiệm hình sự phải chịu về tội đánh bạc quy định tại Điều 321 BLHS còn có thể bị truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS.

Thứ nhất, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
  • Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
  • Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
  • Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Thứ hai, bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
  • Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Thứ ba, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Căn cứ pháp lý: Điều 322 BLHS

Như vậy theo quy định trên thì người nào tổ chức đánh bạc hay gá bạc có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Mức phạt hành chính hành vi chơi đá gà vào dịp Tết âm lịch

Mức phạt hành chính khi chơi đá gà dịp tết

Mức phạt hành chính khi chơi đá gà dịp tết

Căn cứ tại khoản 2 Điều 28  Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây: Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác. Như vậy, hành vi đá gà có cá cược tiền được coi là hành vi đánh bạc trái phép. Bên cạnh đó, người tham gia có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có được (căn cứ khoản 6 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Đối với cá nhân tổ chức cuộc thi chọi gà có cá cược thì ngoài phải chịu mức phạt với vai trò người tham gia còn phải chịu thêm mức phạt hành chính với vai trò người tổ chức là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (căn cứ theo điểm d, khoản 4 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), bên cạnh đó người tổ chức còn có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung giống như những người tham gia, đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có được (căn cứ khoản 6 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Tư vấn hình thức xử lý đối với hành vi chơi đá gà ăn tiền

  • Tư vấn quy định pháp luật hình sự liên quan đến hình thức xử lý đối với hành vi chơi đá gà ăn tiền;
  • Hướng dẫn cách nộp phạt cho cá nhân tham gia và cá nhân tổ chức chơi đá gà ăn tiền;
  • Giải đáp thắc mắc liên quan đến các hình thức xử lý đối với hành vi chơi đá gà ăn tiền;
  • Tư vấn các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
  • Luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư các người bào chữa cho người phạm tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

>>> Tham khảo thêm về: Dịch vụ luật sư bào chữa

Các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chơi đá gà ăn tiền cũng như mức xử phạt mà cá nhân tham gia chơi đá gà hay tổ chức đá gà phải chịu đã được Luật L24H giới thiệu trong bài viết trên. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề này, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay HOTLINE 1900.633.716 để được Luật sư hình sự tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Scores: 4.71 (26 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,816 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716