Xử lý trường hợp chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính là một tình huống không hề hiếm gặp trong thực tiễn. Các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực như thuế, giao thông,..và không thực hiện thi hành đúng thời hạn, chậm nộp phạt. Vì vậy, việc hiểu biết các quy định xử lý trong trường hợp này là vô cùng cần thiết, bài viết này tôi chia sẻ sẽ giúp bạn đọc hạn chế những rủi ro pháp lý cho người bị xử phạt.

Nộp tiền phạt không đúng hạn

Nộp tiền phạt không đúng hạn

Vi phạm hành chính là gì?

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020 (Luật XLVPHC 2012) định nghĩa vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

>>> Xem thêm: Vi phạm hành chính là gì? Các hình thức, nguyên tắc xử phạt

Quy định về nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thủ tục nộp tiền phạt và khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, ta có thể hiểu thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện qua 3 bước:

  • Bước 1, sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm, cá nhân (tổ chức) vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt (trực tiếp hoặc gián tiếp qua tài khoản ngân hàng) trong thời hạn quy định.
  • Bước 2, khi đã nộp tiền phạt xong, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân (tổ chức) bị xử lý vi phạm đã nộp phạt
  • Bước 3, trong thời hạn là 05 ngày kể từ ngày nộp tiền phạt, cá nhân (tổ chức) bị xử lý vi phạm, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của họ sẽ được nhận lại các giấy tờ đã bị tạm giữ qua bưu điện hoặc dịch vụ bưu chính công ích. Chi phí do phía cá nhân (tổ chức) bị xử phạt vi phạm chi trả. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền

Thời hạn nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68, khoản 1 Điều 78 (sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) và khoản 2 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn nộp tiền phạt vi phạm hành chính sẽ có các mốc thời gian như sau:

  • Đối với các trường hợp theo quy định thực hiện nộp phạt một lần thì thời hạn nộp phạt kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt là 10 ngày.
  • Đối với các trường hợp theo quy định được thực hiện nộp phạt nhiều lần thì thời hạn nộp phạt kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực là không quá 06 tháng và số lần nộp tối đa không quá 03 lần.
  • Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Như vậy, thời hạn thông thường phải thực hiện nộp tiền phạt vi phạm hành chính là 10 ngày. Đây cũng là thời hạn áp dụng với đa số các trường hợp bị xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ vì vậy, quý độc giả cần lưu ý để thực hiện.

Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính sẽ bị xử lý thế nào?

Cách tính tiền phạt nộp chậm

Nộp phạt chậm

Nộp phạt chậm

Căn cứ theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định:

Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp

Công thức cụ thể:

Tiền chậm nộp phạt = Tổng số tiền phạt chưa nộp x 0.05%  x  Số ngày chậm nộp

Tổng số tiền phải nộp = Tổng số tiền phạt chưa nộp + (Tổng số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x số ngày chậm nộp)

Trong đó:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (từ đây gọi tắt là Thông tư 18/2023/TT-BTC):

Ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, đối với trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, theo điểm đ khoản 4 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC sẽ xử lý như sau:

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền.

Trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính

Tại khoản 2 Điều 5 Thông Tư 18/2023/TT-BTC quy định, có 2 trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính:

  • Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
  • Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Điều kiện để được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính

Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính

Cá nhân khi tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc thì sẽ được:

  • Cá nhân sẽ được giảm một phần tiền phạt;
  • Cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại khi đã được giảm một phần hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp nộp phạt nhiều lần
  • Cá nhân được miễn toàn bộ tiền phạt khi đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền
  • Được miễn toàn bộ tiền phạt khi bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên.

Tổ chức sẽ được giảm một phần tiền phạt hoặc được miễn phần còn lại của tiền phạt, được miễn toàn bộ tiền phạt khi tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Tổ chức được miễn phần tiền phạt khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

  • Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai
  • Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt;

Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt khi:

  • Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định
  • Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.

Cơ sở pháp lý: theo Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020)

>>> Xem thêm: Trường hợp nào được miễn, giảm tiền xử phạt vi phạm hành chính

Thủ tục đề nghị giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính

Căn cứ khoản 6 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ( Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020)

Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.

Như vậy, kết hợp với phần phân tích về các trường hợp được miễn giảm tiền phạt ở trên, để được miễn, giảm tiền phạt, cá nhân, tổ chức phải:

  • Đáp ứng điều kiện được miễn giảm tiền phạt
  • Phải có đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt
  • Nộp kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp (đối với tổ chức),…

Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính có được nhận phương tiện, bằng lái không?

Trường hợp chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Trường hợp chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Như đã phân tích thì thời hạn để thi hành quyết định xử phạt thông thường trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 10 ngày. Căn cứ theo khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 65 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020):

  • Đối với phương tiện: khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
  • Đối với giấy phép đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức chậm nộp tiền phạt khi hết 10 ngày thì ngoài phải đóng tiền phí chậm nộp phạt thì trong thời hạn 05 ngày sau đó đối với phương tiện hoặc 10 ngày sau đó đối với giấy phép sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, bị kê biên, bán đấu giá tài sản hoặc bị thu hồi đối với giấy phép.

Tư vấn về xử phạt vi phạm hành chính

Tư vấn về xử phạt vi phạm hành chính

Tư vấn về xử phạt vi phạm hành chính

  • Tư vấn các quy định về xử phạt vi phạm hành chính;
  • Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong xử phạt hành chính;
  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý khi vi phạm hành chính;
  • Đại diện khách hàng làm việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính không đúng quy định;
  • Hỗ trợ soạn thảo đơn từ khi có dấu hiệu xử phạt vi phạm hành chính trái luật;
  • Tư vấn khiếu nại quyết định hành chính
  • Thực hiện các yêu cầu khác của khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của tôi về việc xử lý trường hợp chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính. Để phòng tránh các rủi ro pháp lý, quý độc giả nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật khi sự việc xảy ra hoặc tìm đến trợ giúp pháp lý hoặc liên với tôi để được tư vấn luật hành chính miễn phí hotline 1900.633.716 Luật L24H để được hỗ trợ kịp thời, chính xác.

Scores: 4.7 (31 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,789 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716